Tác giả các bài viết:
PV.
Huế Xưa & Nay, Nguyễn Văn Hoá,
Trà
Điêu
Phan Thành Nhơn, Cao
Quảng Văn, Hoàng Phủ Ngọc Phan
website

triện son |
BÁO CHÍ GIỚI THIỆU & BÌNH LUẬN
HAI CUỐN SÁCH MỚI XUẤT BẢN (9-2006)
CỦA TRẦN XUÂN AN,
VIẾT VỀ NHÂN VẬT LỊCH SỬ NGUYỄN VĂN TƯỜNG
(1824-1886) |
http://www.tranxuananwriter.blogspot.com
1
Tạp chí Huế Xưa & Nay
(cơ quan ngôn luận của Hội Khoa
học Lịch sử Thừa Thiên - Huế)
TRẦN XUÂN AN VÀ
NHỮNG CÔNG TRÌNH MỚI XUẤT BẢN
VỀ NGUYỄN VĂN
TƯỜNG
Năm 2004 Nhà Xuất bản Văn Nghệ
Thành phố HCM. xuất bản công trình “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường
(1824-1886)” của Trần Xuân An dày gần 1.000 trang (khổ 16 x 24) được biên
soạn rất công phu bằng các thể loại truyện - sử ký - khảo cứu tư liệu lịch sử,
đã cung cấp một khối lượng thông tin và tư liệu hết sức phong phú về Nguyễn Văn
Tường dựa trên cơ sở khảo cứu và tổng hợp các nguồn tư liệu một cách khoa học và
được trình bày theo một phong cách tư duy độc đáo, mới mẻ; đã được nhà sử học
Dương Trung Quốc đánh giá là một bộ sách “đáng mua và đáng đọc lắm”. Có lẽ từ sự
thành công đáng trân trọng đó, Trần Xuân An tiếp tục cho ra mắt hai tập sách nữa
viết về Nguyễn Văn Tường là “Nguyễn Văn Tường (1824-1886), một người trung
nghĩa” và “Tiểu sử biên niên Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường
(1824-1886), kẻ thù không đội trời chung của chủ nghĩa thực dân Pháp” (đều
do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2006). Cả hai cuốn sách đều được tác giả biên soạn
công phu. Điều đó cho thấy tác giả đã làm việc một cách nghiêm cẩn, đã đầu tư
nhiều tâm lực, trí lực (và cả tài lực) để cho ra đời những công trình nghiên cứu
chuyên sâu về một nhân vật lịch sử đặc biệt và hoàn toàn không dễ viết như
Nguyễn Văn Tường.
Sách khảo cứu của Trần Xuân An
không dễ đọc như truyện và tiểu thuyết của anh nhưng nếu chịu khó đọc sẽ thu
hoạch nhiều điều bổ ích và rất thú vị.
P.V
(Tạp chí Huế Xưa & Nay,
số 78 [11 - 12 / 2006],
mục “Thông tin lịch sử -- văn hoá”, tr.
93).
2
Vài
lời ngỏ…
nhân
dịp 2 cuốn sử:
“Nguyễn Văn Tường
(1824 – 1886), Một Người Trung Nghĩa” – khảo luận về một vài khía cạnh sử học
và
“Tiểu Sử Biên
Niên PCĐT Nguyễn Văn Tường …”
của
Trần Xuân An
vừa
được xuất bản
trong nước.
Nguyễn Văn Hóa
Khi nói về giai đoạn lịch sử
1000 năm Bắc thuộc, chúng ta thường nhắc nhở đến thời kỳ mở đầu cai trị tàn ác
của thái thú Tô Định; nhưng khi nói về giai đoạn thất thủ hơn 100 năm về tay
người da trắng Tây dương – tức là thành quả lịch sử dựng nước của 1000 năm sau,
đất nước đã có quốc hiệu, bờ cõi đã phân định rõ ràng, nền móng văn hóa đã trở
thành nếp sống bàng bạc trong dân gian –, thì chúng ta nghĩ đến cái lý do đưa
tới sự mất nước. Lý do đầu tiên là sức mạnh tự chủ quốc gia, là vấn đề nội
chính, nên không thể không nói đến ba nhân vật quan trọng của triều đình Huế lúc
đó là ba vị phu chính đại thần – Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết và Trần Tiễn
Thành –, khi kẻ đại diện cho uy quyền quốc gia là Vua – đang ở trong tình thế
tranh chấp và tuổi tác còn bé nhỏ.
Lịch sử Việt Nam, trong chiều
dài hơn thế kỷ không may mắn, nhiều giai đoạn sách sử bị tiêu hủy, thất tán… có
mục đích của các chủ thể thống trị, hay vì yếu tố các sử gia, nhà nghiên cứu… bị
các khuynh hướng phe phái, tôn giáo thế lực, màu sắc chính trị làm cho sự thật
lịch sử trở thành những câu hỏi của nghi hoặc, dị dạng (historical deformation),
càng nhiều nghi vấn càng tốt, để cho những câu trả lời quyết định tính chân sử
tương đương với phẩm và lượng của những câu hỏi. Đó là thể cách tạo ra ngụy sử
dĩ nhiên là thiếu tính khoa học, nhưng tinh vi. Ba nhân vật nòng cốt của triều
chính nói trên bị tách phân ra. Tôn thất Thuyết được mô tả như một con người
“tốt bụng, khí khái, hữu dõng vô mưu, thậm chí cực đoan…”, trong khi Nguyễn
Văn Tường như một nhân vật “mưu trí, khôn ngoan quỷ quyệt, mưu hòa và hàng
giặc…” vì động cơ quyền lợi của bản thân và gia thế. Những “loại hình
sử liệu” này khuynh loát đánh mất tính hợp lý hợp nhất chủ trương, hành động,
mưu dũng… kiên quyết đánh giặc ngoại xâm, “dựng vua khả trị”, bảo tồn cơ
chế triều đình để đương cự xâm lăng của hai nhân vật Nguyễn Văn Tường và Tôn
Thất Thuyết.
Trong khi ấy, nhân vật Trần Tiễn Thành trở thành hình ảnh của người “Khách Minh
Hương” “khôn ngoan, hiền đức, sáng suốt, thức thời…” bị giết oan, nếu
không quốc gia đã không bước qua giai đoạn binh biến đau thương, tàn khốc kéo
dài, kể cả chiều dài thời gian… tới ngày hôm nay!
Không riêng gì nền sử học ở Miền
Nam trước đây, vốn có sự tự do tương đối về nghiên cứu và giảng dạy, nhưng lại
thiếu vắng nguồn chân-sử-liệu; ở miền Bắc vốn có chút tiếng tăm về những công
trình khảo cổ sử với dụng ý chính trị về nguồn gốc tổ tiên Thăng Long hoài cổ,
thành Cổ Loa xưa cho sự tiếp nối một thủ đô chính trị Hà Nội đương đại, nền sử
học Miền Bắc cũng bị biến dạng theo tình thế. Gần nhất là giai đoạn Trung Cộng
tấn công biên giới miền Bắc tháng 2/1979, lúc ấy đang còn ở trong nước nên chúng
tôi biết rõ sử liệu đã đuợc mài dũa để viết lại; nhưng chỉ trong vòng hai thập
niên sau, khi mối-tình-hai-đảng-anh-em được tô điểm lại thì sử học lại thêm một
phen thay đổi nữa.
Dù sao, sự thay đổi mang tính
thời thượng của kinh tế và phát triển không lâu đến nay, mang tới điều may, tư
tưởng và học thuật… của mỗi cái đầu, đã được buông lơi tầm kiểm soát và chế ngự,
thì “Phụ Chính Đại Thần Nguyễn Văn Tường, 1924-1886” của bạn Trần Xuân An
lại được ra đời trong bối cảnh đó. Cho nên, chúng ta rõ hơn về tinh thần
“Trung nghĩa ca” (*) của Miên Thẩm Tùng Thiện Vương, thế nào là triết lý
chính trị “hòa là cơ nghi” của Nguyễn Văn Tường, đến những âm mưu để
thiết đặt kế hoạch nghị hòa giữa người “Khách Minh Hương” với đô đốc Tây
dương Courbet, De Champeaux cùng kẻ ‘thừa sai’ Nguyễn Hữu Độ và Giám mục Caspar
đã xảy ra như thế nào cho số phận của bờ cõi đã “tuyệt nhiên định phận tại
thiên thư” và những kẻ giang hồ mạo hiểm tìm nguồn lợi kinh tế đi kèm với
‘công cụ’ linh hồn! Vì thế, những cái chết của các vương tôn công tử: Hồng Tham,
Hồng Tu, Hồng Phì, với sự mưu sát người “Khách Minh Hương” ‘mẫu mực’ ấy có phải
là bản án lịch sử cần phải được đem ra phê phán, thương cảm, u hoài… để luận
công vận tội những con người quốc gia vì sự nghiệp của giống nòi và dân tộc???.
Tôi, nhận được bản tặng cuốn
sách vừa đề cập từ tác giả Trần Xuân An hơn một năm nay, có nhiều lần tôi đã cầm
nó lên, đã bỏ nhiều giờ để đọc lại một số chương ‘đặc biệt’…; có lúc tôi đã thầm
nói một cách quyết đoán thế này: đây là một công trình xứng đáng để cho một
trường đại học nào đó, một cơ sở giáo dục có uy tín nào đó (quốc gia hay quốc tế?)…
cấp một văn bằng tiến sĩ danh dự sử học… cho tác giả. Nói thế có
cường điệu, quá lời không? Tôi hỏi lại lòng mình như thế, thì may mắn thay, 2 tác
phẩm
“Nguyễn Văn Tường, Một Người Trung Nghĩa (1824-1886)” – khảo luận về một vài
khía cạnh sử học và “Tiểu Sử Biên Niên PCĐT Nguyễn Văn Tường …” đã
được bổ sung, được giấy phép công quyền và do Nhà Thanh Niên xuất bản đã trở
thành hiện thực, làm thước đo đại chúng toàn cầu. Xin thưa trước, đây
chẳng phải là lời mời mọc (bởi lý tác phẩm tự nó không cần tới sự mời mọc!), chỉ nhân
cơ hội người viết được tác giả yêu cầu “cho mấy lời ý kiến khi đưa hình sách lên
web” muốn gõ nhẹ một tiếng chuông… mở đầu cho một hành trình thời gian, sẽ
được
công luận có ‘chọn lọc’ lượng giá xem một công trình có sự hướng dẫn, giám sát
của cơ chế học viện (academics) so với công trình xuất phát từ hoài bão của lòng
tôn kính tổ tiên, nếu không muốn nói một cách ‘lớn lối’ – là, lòng yêu đất nước
có sự khác biệt nào không ?!.
Nguyễn Văn Hóa
Chiều thứ sáu, 20.10.2006
Nguồn:
http://giaodiem.us/us-2006/12-06/1206-nvh-gt-txa.pdf
“NGUYỄN VĂN HOÁ PAGE”
(San Jose,
California,
USA.)
________________________
(*) Theo nhiều tư liệu trong
nước, “Trung nghĩa ca” là tác phẩm của Đoàn Trưng (Đoàn Hữu Trưng) – con
rể của Miên Thẩm (Tùng Thiện vương).
______________________________________
Trên đây là bài
viết của ông Nguyễn Văn Hoá (*), giới thiệu hai cuốn sách của tôi – “Nguyễn
Văn Tường (1824 – 1886), một người trung nghĩa” (khảo luận một vài khía cạnh
sử học) và “Tiểu sử biên niên phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 –
1886), kẻ thù không đội trời chung của chủ nghĩa thực dân Pháp” – vừa
được
Nxb. Thanh Niên ấn hành, 9-2006.
Không những ông
Nguyễn Văn Hoá đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc xuất bản sách điện tử cũng
như ủng hộ tinh thần trong việc xuất bản sách in giấy, ông còn viết bài giới
thiệu sách mới. Điều đó khiến tôi vô cùng cảm khích và biết ơn. Tuy vậy, khi
muốn gửi đến các nhà nghiên cứu, các nhà văn quen biết hiện sống và làm việc
trong nước, qua phương tiện internet, tôi vẫn cảm thấy ngần ngại. Trước hết,
cách viết thẳng thắn khi liên hệ đến một số khía cạnh về tình hình sử học trong
những thập niên gần đây (sử học phục vụ yêu cầu chính trị nhất thời trước Đổi
mới, lúc chiến tranh biên giới Việt – Trung nổ ra, chẳng hạn) chắc hẳn cũng còn
gây đôi chút “phiền lòng”. Biết vậy, nhưng tôi cũng nghĩ, sự “phiền lòng” còn
sót lại đó không còn gây “sốc” nữa, cho dù ở một số người chậm đổi mới
nhất. Chính hai cuốn sách của tôi cũng vậy, nhưng tôi lại “phê phán” với một tâm
thế, chỗ đứng khác với ông Nguyễn Văn Hoá, đề tài của tôi lại là nửa sau thế kỉ
mười chín (XIX), do đó dễ được sự đồng thuận của nhiều người trong nước hơn. Một
điều khác, tôi nhận thấy thế cuộc đã cởi mở, có nhiều người sống trên đất nước
Việt Nam của chúng ta chấp nhận cả những nhận định sử học khác lập trường, chính
kiến hiện thời với màu sắc biểu cảm không giống như những người trong nước. Thật
ra, nhận thức về sự thật lịch sử nửa sau thế kỉ XIX như trong bài viết trên, có
lẽ ông Nguyễn Văn Hoá không khác tôi, nhưng cách nói của ông có sắc thái khang
khác, cụ thể là chất Việt kiều, đặc biệt là Việt kiều Mỹ, một nước Mỹ vốn quen
“bạo nói” (tự do ngôn luận đa chiều, hết cỡ), một nước Mỹ tư bản chủ nghĩa có cả
Đảng Cộng sản Mỹ công khai hoạt động (hiện do ông Sam Webb lãnh đạo), thì chất
Việt kiều Mỹ ấy có sao đâu! Từ những suy nghĩ như vậy, tôi muốn mạn phép ông
được đưa bài viết trên lên trang web của tôi, để kính mến, thân ái gửi đến những
ai thường xuyên hoặc thi thoảng ghé vào trang web này, cùng tôi chia sẻ, đồng
cảm, trao đổi, tranh luận và nhất trí.
Kính mong ông
Nguyễn Văn Hoá vui lòng, không phiền trách về việc mạn phép đăng lại bài trên
web cá nhân cũng như về đôi lời kèm theo.
Trân trọng
TXA.
17 : 52’, thứ
ba (thứ tư cũ), ngày 13-12 HB6 (2006),
tại TP. HCM.,
Việt Nam.
____________________
(*) Nguyên chủ
biên Tạp chí điện tử Giao Điểm (giaodiem.com)…
3
Tạp chí
Xưa & Nay
(Cơ quan của Hội Khoa học Lịch
sử Việt Nam)
số 270, tháng 10-2006, tr. 35
HAI QUYỂN SÁCH VỀ
NGUYỄN VĂN TƯỜNG
Trà Điêu
(PHAN THÀNH NHƠN)
Nguyễn Văn Tường là một nhân vật
sống trong thị phi và chết với thị phi. Đánh giá bản ngã của ông, ngay chính
những người đương thời với ông, dù ở phía bên này hay phía bên kia, vẫn còn phải
phân vân, cân nhắc và thậm chí, hoang mang. Cho nên chúng ta có thể dễ dàng hiểu
rằng tại sao, một thời gian rất dài, nhân vật này “được” tránh né đề cập tới; và
nếu có “bị” đề cập, thì các luồng đánh giá rất khác nhau, rất không tập trung
như khi giới nghiên cứu đánh giá về những nhân vật như Hàm Nghi hay Hoàng Cao
Khải chẳng hạn.
Chính vì lẽ đó, đây là một
trường hợp hấp dẫn.
Trần Xuân An, sau khi cho ra đời
một “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886)” khá dầy dặn với
gần 1000 trang khảo cứu, đã tiếp tục giới thiệu hai quyển sách mới về cùng đề
tài: “Tiểu sử biên niên Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), kẻ
thù không đội trời chung của chủ nghĩa thực dân Pháp” (442 trang) và
“Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), một người trung nghĩa (khảo luận về một vài
khía cạnh sử học)” (354 trang).
Ở quyển đầu, tác giả Trần Xuân
An mong muốn trình bày lại hành trạng của vị Phụ chính đại thần theo mạch thời
gian gắn liền với những trích dẫn tư liệu do tác giả dày công nghiên cứu, tìm
hiểu và lựa chọn, với danh mục tài liệu tham khảo gồm 52 tựa sách, luận văn, bài
báo. Mục đích chứng minh đã nằm ngay ở tựa sách.
Quyển thứ hai có thể được xem là
một lời đối thoại, mặc dù “đối thoại” chỉ là một trong ba phần nội dung chính
của quyển sách, theo sự sắp xếp của tác giả. Đối thoại với ai? Như tác giả đã
viết trong “Lời thưa đầu sách”: “… nhằm kiến nghị, đề xuất yêu cầu giải quyết
thật rốt ráo, dứt khoát trong tinh thần khoa học đích thực về một vài khía cạnh
tồn đọng trên trang báo này, chương sách nọ như di chứng của “định kiến sai lầm”
… Lại có người muốn đảo ngược tất thảy sự thật lịch sử thuộc giai đoạn nửa sau
thế kỷ XIX ấy để giành chính nghĩa về phía mình…”.
Bỏ mối quan hệ huyết thống trực
hệ giữa tác giả và vị Phụ chính đại thần triều Nguyễn, bỏ qua cách đặt vấn đề
quá trực diện, bản thân hai quyển sách mang khá nhiều tâm huyết, và nhìn từ phía
này sang phía khác, cũng là một sự tập hợp tư liệu khá kỳ công và có giá trị với
những ai quan tâm đến nhân vật Nguyễn Văn Tường.
Và dù sao, ý kiến của tác giả
cũng rất xác đáng ở điểm: chúng ta không nên đánh
giá bất cứ vấn đề nào một cách võ đoán; nếu cần thiết, phải đối thoại thẳng thắn,
tổ chức hội thảo rộng rãi trên tinh thần khoa học trước khi đưa ra bất cứ một
phán xét nào.
Xin trân trọng giới
thiệu
hai quyển sách của tác giả Trần Xuân An đến quý độc giả.
Trà Điêu
(Phan Thành Nhơn)
TXA. gõ phím vi tính lại theo
số tạp chí đã dẫn,
xong lúc 18 : 01’, 12-12 HB6
(2006)
________________
Xin mạn
phép tác giả Trà Điêu (Phan Thành Nhơn) và Toà soạn Tạp chí Xưa & Nay để phổ
biến trên mạng liên thông toàn cầu (internet) bài giới thiệu sách bên trên, theo
số tạp chí đã dẫn.
(Luận cứ,
luận chứng và nhận định của tôi về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường [1824 -
1886] được thể hiện trong các bộ sách, cuốn sách đã xuất bản với hình thức in
giấy hay sách điện tử. Ở đây, tôi không có ý kiến nào khác).
Trân trọng
và cảm ơn ông Trà Điêu (Phan Thành Nhơn), Toà soạn Tạp chí Xưa & Nay.
TXA.
18 : 01’,
12-12 HB6 (2006).
4
Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay,
số 591, ra ngày 10-01-2007
(theo thông lệ, xuất xưởng &
phát hành tại TP.HCM. trước 4 hôm),
mục “Lần trang sách cũ”,
tr. 33 – 35.
VẼ LẠI CHÂN DUNG
PHỤ CHÍNH ĐẠI THẦN
NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824 – 1886)
CAO QUẢNG VĂN
Lời toà soạn:
Cuối cùng, sự
thật lịch sử cũng được nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan: Sau hơn một thế
kỷ bị xuyên tạc, hiểu lầm, bao nỗi oan khiên bi kịch trong cuộc đời và hành
trạng của Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) – nhân vật lịch sử
đứng đầu triều Nguyễn sau khi Tự Đức băng hà, lúc đất nước ta đang phải đối đầu
với hoạ thực dân Pháp xâm lược – đã dần được sáng tỏ…
KTNN.
Trả lại sự công
bằng cho lịch sử!
Kế tục cuộc hội thảo khoa học về
“Nhóm chủ chiến trong triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường” (Trường Đại học
Sư phạm TP.HCM., 20-6-1996) là cuộc hội thảo về “Nhân vật lịch sử Nguyễn Văn
Tường” (Trung tâm Khoa học xã hội & nhân văn Huế và Hội Khoa học lịch sử
Thừa Thiên – Huế, 2-7-2002) và hội nghị “Thông báo nghiên cứu và sử liệu về
nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường trong phong trào Cần vương” (Hội Khoa học
lịch sử Việt Nam, 1-11-2003). Góp phần công phu và tâm huyết vào quá trình tìm
hiểu, làm sáng tỏ và khẳng định lại sự thật lịch sử đó có phần đóng góp tích cực,
đầy tâm huyết của tác giả Trần Xuân An (nội hậu duệ đời thứ năm) cùng bà Nguyễn
Thị Ngọc Oanh và con gái – Trần Nguyễn Từ Vân – (hậu duệ đời thứ tư và thứ năm
của Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường), với bao nỗ lực sưu tầm, nghiên cứu
[*].
Qua các tư liệu, hình ảnh khai
thác được tại các trung tâm lưu trữ hồ sơ của Bộ Ngoại giao, Bộ Hải ngoại và
Thuộc địa Pháp, tại làng Papeete, đảo Tahiti (Trung Mỹ) – nơi ông Nguyễn Văn
Tường trút hơi thở cuối cùng (30-7-1886) [**], và
nhiều nguồn tư liệu phong phú khác, tác giả Trần Xuân An đã “nghiền ngẫm trên
từng trang sử”, công phu, cẩn trọng tham khảo, phối kiểm các nguồn, rồi trên cơ
sở đối chiếu, lấy “Đại Nam thực lục chính biên” của Quốc sử quán triều
Nguyễn biên soạn làm tư liệu chuẩn cứ, để viết nên bộ truyện ký – khảo cứu lịch
sử “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886)” công phu, dày dặn
(với 983 trang sách khổ lớn) và tiếp theo là 2 cuốn khảo luận
[**]: “Nguyễn Văn
Tường, một người trung nghĩa” (dày 354 trang) và “Tiểu sử biên niên Phụ
chính đại thần Nguyễn Văn Tường, kẻ thù không đội trời chung của chủ nghĩa thực
dân Pháp” (dày 442 trang). Tất cả không ngoài mục đích: Trả lại sự công bằng
cho lịch sử!
Bức chân dung
đầy đủ, sắc nét
Bức chân dung và tính cách của
Phụ chính Nguyễn Văn Tường qua đó ngày càng rõ nét, đối lập hẳn với hình ảnh méo
mó trước đây qua lăng kính lệch lạc, do vô tình hay cố ý của một số cá nhân, tổ
chức, do quan điểm chép sử bất nhất, tiêu chí đánh giá đổi thay, hoặc nhìn dưới
quan điểm của tổ chức thực dân, tay sai hay gián điệp đội lốt tôn giáo, … của
lực lượng đối kháng, hoặc do suy diễn, xuyên tạc vì ngộ nhận… Cụ thể hơn, là
trái ngược với luận điệu xuyên tạc (của phe “chủ hoà”) cho Nguyễn Văn Tường là
người tham lam, tàn nhẫn, quỷ quyệt, Tôn Thất Thuyết nóng nảy, võ biền, hiếu sát,
ít học, hèn nhát… lại là một Nguyễn Văn Tường đầy mưu lược, sắc sảo, khôn ngoan,
giàu lòng trung nghĩa, thương dân, yêu nước; sáng suốt trong hoạch định chiến
thuật, chiến lược, kiên trì; mềm mỏng nhưng quyết liệt trong đấu tranh chính trị,
ngoại giao; biết chiến đấu và dám dũng cảm hy sinh vì nghĩa lớn.
Phải chăng bi kịch lớn trong đời
ông đã lên đến đỉnh cao sau khi đảm nhận “nhiệm vụ lịch sử” theo lời dụ của thái
hoàng thái hậu Từ Dũ sau cuộc kinh đô Huế quật khởi và thất thủ ngày 5-7-1885 (tức
23 tháng 5 Ất dậu)?
Khẳng khái, bất khuất trước bọn
thực dân và tay sai trong cuộc đấu tranh trực diện với kẻ thù, Phụ chính Nguyễn
Văn Tường nhận trọng trách ở lại kinh thành Huế để lo thu xếp mọi chuyện trong
khi vua Hàm Nghi cùng Tôn Thất Thuyết xuất bôn ra Tân Sở, Quảng Trị, để rồi sau
đó phải gánh chịu bao tai tiếng vu vạ một cách oan uổng bởi các chiến dịch bôi
nhọ (nhằm triệt hạ uy tín của Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết cùng Trương Văn
Đễ, Trần Xuân Soạn trong nhóm chủ chiến, nhằm dập tắt phong trào Cần
vương) của đám quan chức thực dân và ngụy triều Đồng Khánh.
Ba cuốn sách của Trần Xuân An đã
nêu khá đầy đủ các cứ liệu góp phần làm sáng tỏ các vấn đề trên.
Như trong mật dụ của vua Hàm
Nghi từ Tân Sở, Quảng Trị gởi về cho Nguyễn Văn Tường ngày 13-7-1885 (tức 2-6 Ất
dậu) cùng lúc với việc ban hành dụ Cần vương: “Nay đại thần Tôn Thất Thuyết
cùng ta quanh quẩn, còn ngươi là phụ chính đại thần thì ở lại mà thương đàm. Kẻ
ở, người đi đều lấy lòng yêu nước, lo dân làm căn bản; đất trời cũng thực chứng
giám…” hay trong mật dụ gởi về Tôn nhơn phủ, hoàng tộc 5 ngày sau đó (vào
7-6 Ất dậu), Hàm Nghi phủ dụ: “Huân thần tâm sự như thế,
cáng đáng như thế, thật là đau khổ quá chừng. Nhân vật nước ta, những người
trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được…”.
Mặt khác, qua bản án cáo thị
ngày 5-9-1885 (27-7 Ất dậu) của Đô thống Đại Pháp De Courcy, Khâm sứ De
Champeaux kết tội lưu đày biệt xứ Nguyễn Văn Tường, cùng bản án chung thẩm
của ngụy triều Đồng Khánh (và Pháp) kết tội Nguyễn Văn Tường cùng 3 thành viên
chủ chốt của nhóm chủ chiến triều đình Huế vào tháng 9-1885 (tháng 8 Ất dậu)
“đều là bè đảng làm loạn” (ĐNTL., tập 37, tr. 35), đã cho thấy rõ hơn bao
giờ hết hình ảnh Phụ chính Nguyễn Văn Tường: một con
người trung nghĩa, một đại quan yêu nước, là kẻ thù không đội trời chung của chủ
nghĩa thực dân Pháp.
Điều đáng ghi nhận khác là ngoài
việc khảo chứng công phu, với thái độ khách quan, đầy tâm huyết trong nỗ lực
tiếp cận sự thật lịch sử nhằm “nói lại cho rõ”, làm sáng tỏ tính cách, hình ảnh
của nhân vật lịch sử đặc biệt yêu nước Nguyễn Văn Tường trong một giai đoạn
trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt bi hùng (1858 – 1885) của cuộc đối đầu với
thực dân Pháp dưới triều Nguyễn, tác giả Trần Xuân An đã góp phần làm sáng tỏ
thêm một số vấn đề liên quan đến các sự biến ở kinh đô Huế và những mắc mứu
trong quan hệ Việt – Pháp của một giai đoạn lịch sử đầy bi kịch. (**).
CAO QUẢNG VĂN
__________
(*) Nhân đọc 3 tác phẩm biên
khảo của Trần Xuân An:
- “Phụ chính
đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886)”,
Nxb. Văn Nghệ TP. HCM., 12-2004.
- “Tiểu sử biên niên Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường,
kẻ thù lớn nhất của chủ nghĩa thực dân Pháp”, Nxb. Thanh Niên, 9-2006.
- “Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), một người trung nghĩa –
Khảo luận về một vài khía cạnh sử học”, Nxb. Thanh Niên, 9-2006.
(**) Như lời ghi nhận của nhà sử
học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, về bộ sách
“Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886)”: "Đây là bộ sách
được viết rất công phu. […] một đề tài không dễ về một nhân vật mà tính phức tạp
ở sự đánh giá đã kéo dài nhiều thập kỷ […]”. Cuốn sách đã “giúp người ta
nhận
ra một Nguyễn Văn Tường không những không cách biệt mà gắn bó làm một với những
người lâu nay được xếp sang một chiến tuyến riêng – chủ chiến – như vua Hàm Nghi
hay Tôn Thất Thuyết”...
(Chú thích của tác
giả bài viết: Cao Quảng Văn)
[*] [**]
Xin
lưu ý, ba điểm có thêm chú thích này, ông Cao Quảng Văn chỉ viết
gộp
lại,
không theo trình tự thời gian như
vậy, do đó có ý kiến phản hồi yêu cầu làm rõ. Tôi đã đọc lại bài báo trên, và
thấy cần bổ sung thêm chú thích sau đây:
Công việc đơn
thuần sưu tầm và góp phần dịch thuật một số tư liệu tìm được, ở Pháp, Tahiti,
kể cả ảnh chụp ở hòn đảo này, do bà [cô] Nguyễn Thị Ngọc Oanh và con gái
của bà ([em]
Trần Nguyễn Từ Vân) thực hiện. Số tư liệu và hình ảnh ấy, tôi không hề
biết đến,
trước hội thảo ở Huế, 2-7-2002. Chỉ trước khi tham dự hội thảo ở Huế ấy vài hôm,
sau khi tôi đã mua vé may bay để ra Huế, ông Trần Viết Ngạc có trao cho tôi
một
vài tờ photocopy đôi ba mẩu báo cũ, dăm bày hình ảnh mới do Trần
Nguyễn Từ Vân chụp và một bài thơ do cô ấy sáng tác! Trong hội
thảo ở Huế, 2-7-2002, bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh và cô Trần Nguyễn Từ Vân đã báo cáo
trực quan bằng phim đèn chiếu số tư liệu văn bản sưu tầm được và bằng cách trưng bày
số hình ảnh trên một
phông vải.
Sau Hội thảo ở Huế, nếu nhà nghiên cứu
Trần Viết Ngạc không đăng lên trên Tạp chí Xưa & Nay, tôi cũng không
thể khai thác sử dụng được số tư liệu ấy (vì chỉ được nghe trích
đọc và xem lướt trên màn hình). Mãi cho đến
khi tôi có giấy phép xuất bản bộ sách
"Phụ chính đại thần
Nguyễn Văn Tường (1824 - 1886)",
2004, tôi mới được anh Nguyễn Hạnh (nay là phó
tổng
biên tập Xưa & Nay) cho mượn cuốn tư liệu của bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh và cô
Trần Nguyễn Từ Vân (có bổ sung thêm, in vi tính,
2003)
để xem và sao chụp để làm tư liệu xem thêm (chỉ xem thêm, chứ không trích dẫn gì
ở cuốn tư liệu in vi tính ấy).
Bà Nguyễn Thị
Ngọc Oanh không viết gì về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường, cô Trần Nguyễn Từ
Vân cũng không viết bài nghiên cứu nào cả (ngoài một bài thơ kể trên và một bài
văn xuôi thuật sự do Trần Nguyễn Từ Vân cảm tác, có nội dung cũng gần như nội
dung bài thơ, chỉ thuật lại những chuyến đi sưu tầm; bài văn xuôi này đã
đăng
trên Tạp chí Xưa & Nay).
Nói tóm lại, tôi
chỉ sử dụng những phần tư liệu ấy do nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc công bố trên
Tạp chí Xưa & Nay, cùng một vài hình ảnh cô Nguyễn Thị Từ Vân chụp, ông Trần
Viết Ngạc đã đưa cho tôi, cô đã báo cáo trực quan như đã nói; và để ghi
nhận
công lao sưu tầm của cô [em], tôi có trích một đoạn bài thuật sự của cô, đã đăng
tạp chí Xưa & Nay mà thôi. Xem sách tôi đã xuất bản dưới hình thức in
giấy và xuất bản trên web thì rõ (ghi chú xuất xứ tư liệu trích dẫn rất cụ thể).
Xin cảm ơn ý kiến phản hồi của vài người đọc
đáng
kính, vì lòng quý mến, đã yêu cầu làm rõ cách diễn đạt
gộp
và diễn đạt
không theo trình tự
thời gian
ở đoạn kế tiếp của ông Cao Quảng Văn ở bài báo giới thiệu, bình luận trên.
TXA.
http://chimviet.free.fr/index2.htm
http://www.tranxuananwriter.blogspot.com/
http://docs.google.com/View?docid=dc9fgpkh_113fnshhh
http://docs.google.com/View?docid=dc9fgpkh_119czkhp4
http://www.minhkhai.com.vn/Books.aspx?m=author&authorID=20058
_________________________
_________________________
Ngày
08-02 HB7 (2007),
bổ sung vào ý kiến của tác giả Trần Xuân An
Trọng điểm năm Bính tuất 2006:
Báo chí giới thiệu & bình luận về 2 cuốn sách TXA. mới xuất bản
với hình thức in giấy
(phản hồi & làm
rõ để khỏi sa vào bẫy tranh chấp, kế li gián, triệt hạ uy tín)
(links 1, 2 & 3)
Nói lại
một lần nữa cho rõ:
Tôi đã
viết các cuốn sách về đề tài nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường theo thứ tự thời
gian như sau:
1.
“Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), thơ, vài nét về con người, tâm hồn và tư
tưởng”: Biên soạn vào cuối năm
1999,
hoàn tất trong năm
2000,
và đã công bố bản thảo vi tính vào năm ấy, trong phạm vi giới hạn (các nhà
nghiên cứu, cơ quan xuất bản, bà con); đến năm 2003, tự nhuận sắc, bổ sung thêm,
và cũng đã công bố bản thảo trong năm ấy.
Những luận điểm và phát hiện riêng
của bản thân Trần Xuân An đã được trình bày trong cuốn này (bản 2000).
2.
“Tiểu sử biên niên phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường(1824 – 1886), kẻ thù
không đội trời chung của chủ nghĩa thực dân Pháp”: Biên soạn vào đầu năm
2001,
để làm đề cương cho bộ truyện kí - khảo cứu tư liệu lịch sử “Phụ chính đại
thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886)”. Bản thảo đã công bố ngay trong năm
cũng với các đối tượng như trên.
3.
“Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), ‘những người trung nghĩa từ xưa tưởng không
hơn được’”: Viết khảo luận (nghiên cứu, đối thoại)
này, có phần tư liệu phụ lục, vào năm
2002
(triển khai, đào sâu từ 2
cuốn đã viết kể trên). Bản thào đã công bố ngay sau khi viết xong (vì đã có máy
vi tính riêng) và đặc biệt công bố trong dịp tham dự hội thảo khoa học tại Huế,
02-7-2002, trong trong phạm vi giới hạn như vậy.
4.
“Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886)”: Trọn bộ 4 tập,
được viết vào năm 2002
và đầu năm
2003.
Bản thảo từng tập công bố ngay, cũng với dạng thức và phạm vi như mấy năm trước.
Xin lưu
ý:
+++ Về tư
liệu:
- a - Trong 2 cuốn “Kỉ yếu Hội nghị khoa học về ‘Nhóm chủ chiến triều đình Huế và
Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886)’”, “Kỳ Vĩ quận công Nguyễn Văn Tường thi tập”
do Trường Đại học Sư phạm TP. HCM. tổ chức, ấn hành vào ngày 20-6-1996, không có
dòng chữ nào, trang nào là tư liệu do bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh & cô Trần Nguyễn
Từ Vân cung cấp. Bà Oanh và cô Từ Vân chỉ sưu tầm tư liệu trong vài năm về sau,
chính xác là sau hội nghị do Trường ĐHSP. TP.HCM. tổ chức, 20-6-1996.
- b - Tôi (Trần
Xuân An) hoàn toàn tự sưu tầm tư liệu, nghiên cứu và
viết một cách độc lập, thậm chí trong tình trạng biệt lập. Nói vắn tắt là tôi
hoàn toàn không biết đến việc bà Oanh, cô Từ Vân sưu tầm tư liệu tại Tahiti và
tại Pháp, cho đến khi đã mua vé máy bay ra Huế tham dự hội thảo (tham luận đã
gửi ra trước mấy tháng). Sau hội thảo 02-7-2002, tôi chỉ được tham khảo tư liệu
ấy khi ông Trần Viết Ngạc công bố trên Xưa & Nay (2003). Mãi cho đến khi có giấy
phép xuất bản bộ sách "Phụ chính đại thần Nguyễn
Văn Tường (1824 – 1886)” vào quý 4 năm 2004, tôi mới được anh Nguyễn
Hạnh (trưởng ban điều hành văn phòng phía Nam, nay là P.TBT. Tạp chí Xưa & Nay)
cho mượn cuốn tư liệu của bà Oanh và cô Từ Vân (bà và cô có bổ sung, in vi tính,
2003). Xin nhắc lại như thế.
+++ Về năm xuất bản:
Năm xuất bản thành sách in giấy,
không phải theo thứ tự cuốn (hay bộ) nào viết trước, in trước, cuốn (hay bộ) nào
viết sau, in sau:
- a - Cuốn
thứ 4, “Phụ chính
đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886)”, trọn bộ 4 tập,
in chung thành một cuốn, NXB. Văn Nghệ
TP.HCM., 2004.
- b & c - Cuốn thứ 2, “Tiểu sử
biên niên phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường(1824 – 1886), kẻ thù không đội
trời chung của chủ nghĩa thực dân Pháp”, và cuốn thứ 3,
“Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), ‘những người trung nghĩa từ xưa tưởng không
hơn được’”, Tcđt. Giao Điểm,
2005
(sách điện tử) & NXB. Thanh Niên,
2006
(sách in giấy).
- d – Cuốn thứ 1,
“Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886),
thơ, vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng”,
Tcđt. Giao Điểm, 2005
(sách điện tử) & cho đến nay vẫn chưa được xuất bản thành sách in giấy.
Thật ra,
chính thời gian biên khảo, nghiên cứu và viết thành bài, thành sách và công bố
bản thảo vi tính in giấy
trong phạm vi giới hạn
hoặc
sách điện tử
trên internet mới quan trọng, chứ không phải là năm xuất bản bằng hình thức sách
in giấy.
+++
Về nội dung:
Bản thảo in
giấy & sách in giấy là căn bản
nhất.
Tôi cảm thấy khá buồn cười (thậm
chí bị biến thành trò cười) khi phải nhấn mạnh nhiều lần những chi tiết này.
Biêt vậy, nhưng không thể không tự bảo vệ kết quả biên khảo, nghiên cứu, viết
sách của mình.
Vấn đề
quan trọng đối với người nghiên cứu là ý tưởng mới (tiếp cận
chính xác vấn đề, sự thật lịch sử), tư liệu xác thực,
phương pháp luận nghiên cứu được vận dụng sáng tạo; trong đó các phát hiện trong nghiên cứu tư
liệu là cực kì quan trọng, chứ không phải chỉ là khả năng, kĩ thuật viết văn.
Nếu không được như thế, thì chỉ là người làm
bài tập lớn ở trường đại học hoặc chỉ là người viết thuê!
Điều cuối, tôi chỉ nghĩ ông Cao
Quảng Văn đã sơ suất trong việc diễn đạt, gây ra ngộ nhận, đến nỗi
cho đến hôm nay vẫn còn vài người điện thoại đến, yêu cầu làm rõ hơn, vì lòng
quý mến công sức lao động cá nhân người biên khảo, nghiên cứu và viết sách là
tôi. Đây cũng là kinh nghiệm, không phải cá biệt, của nhiều nhà nghiên cứu khác
trong các trường hợp tương tự khác, bởi nói chung, người viết nào cũng có thể
mắc phải về lỗi diễn đạt như ông Cao Quảng Văn. Vậy thì xin làm rõ
một lần nữa cho xong.
Nhưng dẫu sao tôi và ông Cao
Quảng Văn vẫn giữ gìn quan hệ tốt đẹp, rất anh em, rất thân tình, giữa chúng tôi
với nhau.
Trần Xuân An
Buổi chiều ngày
08 & 10-02 HB7 (2007)
cuối năm Bính tuất HB6-7.

Buổi tất niên Bính tuất HB6-7 (02-02-HB7 [2007])
do Hội Nhà
văn TP. HCM. tổ chức.
Ảnh 1
Hàng ngồi, từ trái sang phải,
các nhà văn, nhà thơ:
Lê Quang Sinh, Lê Thị Kim,
Trương Nam Hương,
Trần Hoàng, Cao Quảng Văn.
Hàng đứng, từ trái sang phải,
các nhà văn, nhà thơ:
Hoàng Đình Quang, Triệu Xuân,
Lê Xuân Đố,
Trần Xuân An, một nhà văn nữ, Nguyễn Vũ Tiềm, một nhà văn nữ
khác.

Ảnh 2

Ảnh 3

Ảnh 4
Có thêm hai nhà văn nam lão thành khác.
____________________________
Lịch đăng tải & bổ sung
tiểu mục này:
1.
06-01 HB7 (2007)
(tạp chí xuất xưởng &
phát hành trước 4 hôm, theo thông lệ)
2.
Bổ sung:
10-02 HB7 (2007):
Chú thích thêm vào ngày 08-02 HB7 (2007)
3.
12-02 HB7 (2007):
Xem thêm thông tin về quá trình hình thành cuốn sách "Tiểu sử
biên niên...":
Lời thưa đầu sách
http://tranxuanantsbnnvt.blogspot.com/2006/01/tiu-s-bin-nin-pct-nguyn-vn-tng-tp-1.html
http://c.1asphost.com/TrXuanAn/an/tieu_sbnpcdtnvtuong.htm

4.
13-02 HB7 (2007):
Xem thêm Lời thưa đầu sách của cuốn
"Nguyễn Văn Tường (1824 - 1886), một người trung nghĩa":
http://tranxuanan-nvtnntnghia.blogspot.com
http://c.1asphost.com/TrXuanAn/an/nguyen_vtnntntxtkhduoc.htm
THÊM MỘT VÀI LỜI
Có một điều rất lạ là những bài giới thiệu và
bình luận sách trên báo chí, những dòng tóm lược nội dung sách ở một vài thư
viện, nhà sách, đều có sự tránh né đề cập đến một trong hai nội dung chính, chủ
yếu của cuốn sách. Đó là các bài phê bình gần một trang rưỡi sách "Việt Nam
vong quốc sử" (Phan Bội Châu), một số trang trong "Chống xâm lăng"
(GS. Trần Văn Giàu), một số đoạn ở bài "Toà Khâm sứ Pháp" (GS. Bửu Kế)
và kỉ VI "Đại Nam thực lục chính biên" (ngụy triều Đồng Khánh) ... hoặc
người giới thiệu, bình luận sách cho rằng nên "bỏ qua cách đặt vấn đề
qua (quá?) trực diện". Sự tránh né, khoá chặn có
chỉ đạo đó vẫn còn tiếp diễn, mặc dù ngay trong "Lời thưa đầu sách"
này, và xuyên suốt cả cuốn sách, tôi đã phê phán ý thức "sử học vì mục đích
tuyên truyền chính trị trước mắt", phê phán không khí khoa học trì trệ, cả nể
"cây đa cây đề", thiếu tinh thần phê bình dân chủ đích thực trong học thuật ở
nước ta. Sự tránh né, khoá chặn đó, đồng thời "không hẹn mà gặp", cũng toa rập
với thủ đoạn thực dân, tả đạo cũ và mới trước đây và hiện nay, trong khoa học,
nhất là trong sử học, thời sự báo chí (trên mạng liên thông toàn cầu, thấy nhan
nhan những bài viết, cuốn sách xuyên tạc, bôi nhọ...).
Trần Xuân An
13-02 HB7 (2007)
.
XIN XEM TIẾP Ở CUỐI TRANG
_________________________________________
_________________________________________
HOÀNG PHỦ NGỌC PHAN
Tình Quê, tuyển tập định kì, số
7, xuân Đinh Hợi 07, Nxb. Đà Nẵng,
Hội Đồng hương tỉnh Quảng Trị
tại Đà Nẵng
TRẦN XUÂN AN
VÀ CÔNG TRÌNH PHỤC HỒI DANH
TIẾT
CHO NHÂN VẬT LỊCH SỬ NGUYỄN
VĂN TƯỜNG
Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất
Thuyết -- nỗi đau và nỗi oan
Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886)
và Tôn Thất Thuyết (1839 – 1913) là hai quan phụ chính đại thần nắm quyền chính
trị và quân sự trong triều đình Huế từ sau khi vua Tự Đức mất (1883) cho đến khi
vua Hàm Nghi xuất bôn (1885).
Những gì hai ông làm trong thời
gian đó sau này bị lịch sử [1] lên án như những
tội nhân thiên cổ. Quả thực họ đã làm những việc tày trời như phế vua Dục Đức,
bức tử vua Hiệp Hoà trong ngục [2], giết hại quan
đồng phụ chính đại thần Trần Tiễn Thành [3], tấn
công quân Pháp, đưa đến thảm cảnh thất thủ kinh đô ngày 23-5 Ất dậu (1885)
[4].
Ngoài ra, trong dân gian còn
truyền tụng những câu:
Việt Nam có bốn “anh hùng”
Tường gian, Viêm dối, Khiêm
khùng, Thuyết ngu
[5]
Để hiểu đúng những nhân vật và
sự kiện lịch sử ấy, cần nhắc lại mối mâu thuẫn giữa hai phe chủ hoà và chủ chiến
trước cuộc chiến tranh xâm lược của giặc Pháp. Chủ hoà thực chất là đầu hàng để
cầu an, bảo toàn tính mạng, và chủ chiến là chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Mâu
thuẫn này đạt đến đỉnh điểm khi cả Dục Đức, Hiệp Hoà và Trần Tiễn Thành đứng về
phía chủ hoà. Nghiêm trọng hơn, Dục Đức còn có dấu hiệu tư thông với người Pháp
khi ưu tiên cho cố đạo Nguyễn Hữu Cư tự do ra vào cung cấm
[6]. Khi những nhân vật nói trên tư thông với
giặc thì còn gì giang sơn Tổ quốc? Trước tình hình đó phe chủ chiến gồm Nguyễn
Văn Tường và Tôn Thất Thuyết phải hành động cương quyết để loại trừ nguy cơ mất
nước. Cuộc đảo chánh là rất cần thiết.
Xét ra, những thơ ca, giai thoại
nói về hai ông Tường và Thuyết trước đây đều nhằm bôi nhọ, coi hai ông như những
người quyền gian chứ không hề ghi nhận mặt tích cực. Đây có thể là quan điểm
đánh giá của phe chủ hoà, của những người có tư thù và của người Pháp. Vì như ta
đã biết, sau khi vua Hàm Nghi xuất bôn, triều đình là của người Pháp. Vua tôi
đều phục tùng giặc Pháp. Cả Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Hoàng Tá Viêm,
Ông Ích Khiêm, những người chống Pháp tích cực trong triều hoặc ngoài trận địa,
đều bị phe chủ hoà biến thành kẻ tội đồ để tế thần, nghĩa là để lấy lòng tin cậy
của người Pháp.
Mấy năm gần đây, giới sử học
Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo “chủ chiến ở triều đình Huế” để xem xét
lại toàn bộ vấn đề.
Hai nhân vật Nguyễn Văn Tường và
Tôn Thất Thuyết đã được phục hồi danh tiết, khẳng định là những danh thần yêu
nước.
Đối với Tôn Thất Thuyết, việc
phục hồi không khó vì ông hành động chống Pháp rất công khai và triệt để. Hai
con trai ông là Tôn Thất Thiệp và Tôn Thất Đạm là những trang thiếu niên anh
hùng, trung quân ái quốc. Con rể là hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền cũng là bậc sĩ
phu yêu nước trong phong trào Đông du.
Riêng đối với Nguyễn Văn Tường,
do phải gánh vác những sứ mạng chính trị, ngoại giao rất khó khăn tế nhị nên chỗ
khổ tâm rất lớn.
Ông bị mang tiếng đầu hàng, phản
bội là do sau khi vua Hàm Nghi xuất bôn, ông đã quay về Huế cộng tác với triều
đình của người Pháp, xoay chuyển tình thế. Khi tìm được bằng chứng, người Pháp
liền bắt giam ông, đưa vào Sài Gòn, ra Côn Đảo rồi đày qua đảo Tahiti. Ông lâm
bệnh và mất ở đấy trong nỗi đau và nỗi oan khó giải. Các cuộc hội thảo ở thành
phố Hồ Chí Minh và Huế từ năm 1996 đến 2002 tuy thống nhất về nhận định vai trò
tích cực của Nguyễn Văn Tường nhưng vẫn chưa đủ tư liệu cụ thể để xác minh một
vài điểm còn vướng mắc.
May thay, ông Nguyễn Văn Tường
còn có những hậu duệ hiếu thảo, tài năng và đầy tâm huyết để góp phần cùng giới
nghiên cứu trong nước [7], viết lại lịch sử tiền
nhân.
Vào khoảng các năm từ 1996 đến
2002, hậu duệ đời thứ tư của ông Tường là bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh và con gái bà
là Trần Nguyễn Từ Vân đã nhiều lần sang tận đảo Tahiti (thuộc quần đảo
Polynésie, nam Thái Bình dương) và các cơ quan lưu trữ tư liệu của Pháp ở Paris
và Aix-en-Provence để sưu tầm các bằng chứng thuyết phục. Kết quả tìm kiếm của
họ đã được công bố vào năm 2003 trong tập “Tư liệu về Nguyễn Văn Tường (1883
– 1884 – 1885 – 1886), sưu tập tại Pháp và
Tahiti”
[8].
Trong khi đó, một hậu duệ khác là ông Trần Xuân An, cũng đã âm thầm làm việc
không hề mệt mỏi để công bố một công trình sách về Nguyễn Văn Tường khá đồ sộ và
hoàn chỉnh.
Công trình của Trần Xuân An
gồm 4 quyển sách sau đây:
1.
“Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường”
Truyện – sử kí – khảo cứu tư
liệu lịch sử, Nhà Xuất bản Văn Nghệ TP.HCM., 2004 [9],
983 trang, khổ 16 x 24; giá 140.000 đ.
Quyển sách này một nửa là truyện
kí giống như các tiểu thuyết lịch sử. Tác giả phục hiện lại toàn bộ hành trạng
của Nguyễn Văn Tường, bắt đầu từ khi còn là một thư sinh ở xã An Cư, huyện Đăng
Xương, tỉnh Quảng Trị, đi thi phạm huý, bị làm tượng binh lao dịch, cho đến khi
trút hơi thở cuối cùng ở đảo Tahiti, rồi được đưa xác về, ầm thầm chôn cất ở quê
nhà. Truyện viết đến đâu, tác giả dẫn chứng đến đó. Phần trích dẫn tư liệu chiếm
một tỉ lệ quan trọng trong nội dung quyển sách. Tư liệu cho thấy bối cảnh lịch
sử rộng lớn liên quan đến vua quan, sĩ thứ thuộc cả hai phe chủ chiến và chủ
hoà. Bọn gian tà bán nước bị vạch mặt, người trung nghĩa được trân trọng. Cách
viết này có phần trở ngại cho việc cảm thụ văn học nhưng lại cung cấp những bằng
chứng xác đáng và những trang tư liệu lịch sử đầy ắp. Và mục đích của quyển sách
này vẫn là lịch sử chân chính chứ không phải là văn học.
2. “Nguyễn Văn Tường, một
người trung nghĩa”
Khảo luận về một vài khía cạnh
sử học, Nxb. Thanh Niên, 2006 [10], 353 trang, khổ 14,5 x 20,5; giá 60.000 đ.
Tập sách này giới thiệu và phân
tích những tư liệu và sự kiện liên quan đến hoạt động của Nguyễn Văn Tường và đi
đến khẳng định: “Nhân vật nước ta, những người trung nghĩa từ xưa, tưởng
không hơn được” (trích mật dụ của vua Hàm Nghi từ Tân Sở gửi hoàng tộc, ngày
7-6 Ất dậu [1885]).
3. “Tiểu sử biên niên phụ
chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), kẻ thù không đội trời chung của
chủ nghĩa thực dân Pháp”.
Nxb. Thanh Niên, 2006
[11], 442 trang, khổ 14,5 x 20,5; giá 70.000 đ.
Tác giả dựa vào sách “Đại
Nam thực lục”
của Quốc sử quán triều Nguyễn, rút gọn và bình chú thêm để làm sáng tỏ hành tung
của Nguyễn Văn Tường.
4. “Nguyễn Văn Tường – thơ
– Vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng”
Trần Xuân An và nhiều tác giả,
sắp xuất bản [12].
Ở đây, một lần nữa, tâm hồn và
tư tưởng của Nguyễn Văn Tường được chính ông tự bạch qua bài thơ “Chia tách
triều chính”:
Đường núi vạn trùng lo kiệu
biếc
Lòng tôi một dạng giữ
sân son
Đúng, sai, ấy gửi nghìn sau
luận
Nhẹ? Nặng? Phò vua? Luyến
nước non?
Trần Xuân An, sinh năm 1956 tại
Huế, nguyên quán Quảng Trị, hậu duệ thế hệ thứ năm của quan phụ chính Nguyễn Văn
Tường. Ông xuất thân là nhà giáo, tốt nghiệp ĐHSP. Huế (1874 – 1978), dạy học
tại Lâm Đồng (1978 – 1983). Hiện nay chuyên sáng tác và nghiên cứu tại TP. HCM..
Ông là tác giả của 7 tập thơ và 3 tiểu thuyết đã xuất bản, từng được giải thưởng
văn học. Rõ ràng ông không có ý định và
không hề được đầu tư để trở thành người nghiên cứu lịch sử. Nhưng vì lòng hiếu
kính đối với tổ phụ, niềm hãnh diện đối với gia tộc và quê hương, và niềm bức
xúc về việc ghi chép lịch sử “chân chính”, ông đã dành biết bao tâm huyết để
hoàn thành công trình sách về Nguyễn Văn Tường.
Công trình sách lớn này vượt ra
những luận án tiến sĩ trong lãnh vực sử học mà tôi đã được biết. Có thể nói,
Trần Xuân An đã đạt được tầm vóc của một nhà sử học; nhất là đồng hương Quảng
Trị chúng ta cần ghi nhận cống hiến đột xuất này [13].
HOÀNG PHỦ NGỌC PHAN
Tình Quê, tuyển tập định kì, số
7,
Nxb. Đà Nẵng, 2007, tr. 42 – 45.
Chú thích của "Web.:
TXA's"
(Xin được mạn phép chú thích để tránh những
hiểu lầm đáng tiếc):
[1] Theo mạch văn, xin hiểu là sách lịch sử được
viết với quan điểm thực dân, tả đạo và bảo hoàng, hoặc sách trong chế độ mới còn
bị ảnh hưởng dai dẳng bởi các sử liệu xuyên tạc, quan điểm trái ngược ấy. Ở đoạn
sau của bài viết này, tác giả Hoàng Phủ Ngọc Phan sẽ làm sáng tỏ nguyên ý, chủ
kiến của ông.
[2] Xem chú thích
[1]. Chính xác là Hiệp Hoà bị thi hành án theo lệ
‘tam ban triều điển’ (dải lụa, thanh gươm, chén thuốc độc). Chính Ông Ích Khiêm,
Trương Văn Đễ đã trực tiếp thi hành án tại Nha Hộ thành (Dục Đức đường cũ), buộc
Hiệp Hoà phải tự xử bằng thuốc độc; và Trần Xuân Soạn đã kết thúc sinh mệnh Hiệp
Hoà, kẻ đã bị kết án phản quốc, câu kết với Pháp với bằng chứng cụ thể, xác
thực.
[3] Xem chú thích
[1]. Chính xác là Trần Tiễn Thành -- đệ nhất phụ
chính đại thần; Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết -- đồng phụ chính đại thần
(theo di chiếu của Tự Đức).
[4] Xem chú thích
[1].
Mạn phép đề
nghị dùng cách diễn đạt chính xác, đầy đủ và ngắn gọn: “Cuộc kinh đô quật
khởi và bị thất thủ”.
[5] Xem chú thích
[1]. Còn có thêm hai câu tiếp theo trong bài ca
dao tuyên truyền, phản động này. Nguyên văn:
Việt
Nam có bốn “anh hùng”
Tường gian,
Viêm dối, Khiêm khùng, Thuyết ngu
Lại thêm hai
thằng vũ phu
Đề Đức, đề
Soạn giương mu (khu) chịu đòn.
(Đề Đức, đề Soạn: Đề đốc Vũ Văn Đức và đề đốc
Trần Xuân Soạn).
[6] Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc (biên soạn),
“Nguyễn Phúc tộc thế phả”, Nxb. Thuận Hoá, 1995, tr. 372 (dẫn theo PGS.
TS. Đỗ Bang, “Cố đô Huế”, Nxb. Thuận Hoá, 2005, tr. 321): Chính Dục Đức
đã chuyển giao tài liệu mật cho khâm sứ Pháp Rheinart từ năm Tân tị (1881).
[7] Nhà văn, nhà biên soạn sách kì cựu Hoàng Phủ
Ngọc Phan đã khiêm tốn. Thực ra, ông là thành viên chủ chốt trong nhóm nghiên
cứu, biên tập Sở Văn hoá – Thông tin TP.HCM. và Nxb. Trẻ TP. HCM., những người
có công rất lớn đối với sử học cận -- hiện đại, trong việc biên soạn cuốn
“Côn Đảo, kí sự và tư liệu” (xuất bản, 1996; tái bản, 1998) với sự cố vấn
của các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước (Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn
Linh, Trần Trọng Tân, Nguyễn Thọ Chân). Trong cuốn sách lớn này, nhóm nghiên
cứu, biên soạn đã xác minh về việc giặc Pháp lưu đày, tra tấn Nguyễn Văn Tường
(1824 – 1886), tuy một vài điểm nhỏ khác chưa thật xác thực (như địa danh
Haiti… [do chữ Taiti, tiếng Ý, Tahiti, tiếng
Pháp, gần giống dạng tự, dễ đánh máy chữ nhầm]).
[8], [9], [10], [11] & [12]
Xin vui lòng xem lại chú thích cần thiết và chú thích quan trọng bổ sung của
TXA., cuối bài viết của nhà báo, nhà thơ Cao Quảng Văn (từ tạp chí Kiến Thức
Ngày Nay, số 591 & ở web. TXA).
[13]
Có nhiều nhà nghiên cứu văn học, sử gia thuộc diện
rất đột xuất, từ toán học, hoá học, y học, chuyển sang nghiên cứu chuyên sâu Hán
– Nôm, sử học, sáng tác văn học…
TXA. mạn phép gõ phím lại
đúng y nguyên văn
với sự đồng ý
của ông Lê Diễn (trưởng ban biên tập)
& chú thích,
chiều 09 &
lúc 6 giờ 22',
10-02 HB7 (2007),
cuối năm
Bính tuất HB6-7.
|